Những nguyên tắc quan trọng nhất khi sử dụng thuốc kháng sinh

0

Thuốc kháng sinh được ví như con dao 2 lưỡi, khéo dùng thì lợi, ngược lại không biết cách dùng có thể gây ra hậu quả không lường cho sức khỏe. Khi có ý định sử dụng thuốc kháng sinh bạn cần thông qua hướng dẫn của bác sỹ đồng thời tìm hiểu và ghi nhớ những nguyên tắc sử dụng thuốc kháng sinh quan trọng dưới đây.

+ Liều lượng và thời gian dùng thuốc

– Thời gian sử dụng thuốc kháng sinh cũng phải đảm bảo đúng quy định. Thông thường kháng sinh được dùng từ 7 đến 10 ngày. Một số loại kháng sinh có thể được chỉ định dùng trong 5 ngày; cá biệt chỉ có loại dùng trong 3 ngày như thuốc azithromycin chỉ dùng trong 3 ngày là đủ liều. Cũng có những trường hợp kháng sinh được dùng nhiều ngày hơn để điều trị tỉnh trạng nhiễm trùng huyết, bệnh lao, bệnh thương hàn, bệnh giang mai…

– Liều lượng thuốc hàng ngày phải được dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý tăng hay giảm liều, nhất là giảm liều sẽ làm cho kháng sinh tác dụng không đầy đủ và gây nên kháng thuốc. Trường hợp tương đối khá phổ biến là bệnh nhân dùng thuốc một vài ngày, mặc dù chưa hết liều nhưng thấy bệnh đỡ nên tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc. Điều này có thể sẽ làm bệnh nặng lên trong đợt điều trị đó và gây kháng thuốc trong tương lai.

thuốc kháng sinh

+ Thời điểm uống thuốc

– Thường các loại thuốc kháng sinh được uống 2 lần trong ngày, cách nhau khoảng 12 giờ, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ. Bác sĩ có thể chỉ định uống kháng sinh 1 lần trong ngày như kháng sinh chống lao, chỉ uống 1 lần vào buổi sáng.

– Để thuốc kháng sinh có tác dụng tối đa, nên uống thuốc vào lúc đói như uống thuốc xa bữa ăn, trừ một số kháng sinh có tác dụng không mong muốn ở đường tiêu hóa thì mới uống vào lúc no. Một số bệnh nhân uống thuốc pefloxacin có thể bị cảm giác cồn cào trong bụng, vì vậy có thể uống thuốc vào lúc no.

+ Theo dõi tác dụng không mong muốn của thuốc

Các tác dụng không mong muốn khi sử dụng kháng sinh thường gặp là:

– Tiêu chảy là phản ứng hay gặp nhất do khi uống kháng sinh thì các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa cũng bị tiêu diệt làm cho rối loạn tiêu hóa và thường biểu hiện bằng tiêu chảy. Tiêu chảy do dùng kháng sinh thường xuất hiện từ 2 đến 3 ngày sau khi uống thuốc và chỉ ở mức độ nhẹ, tự hết sau khi uống hết liều thuốc nên không cần điều trị.

– Đau đầu, mất ngủ, bồn chồn hay xảy ra với nhóm thuốc quinolon.

– Buồn nôn, đau bụng… có thể xảy ra với nhóm thuốc tetraxyclin, nhóm quinolon…

– Sạm da có thể xảy ra với nhóm thuốc quinolon và bệnh nhân được khuyên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian uống thuốc.

– Cảm giác có vị kim loại ở trong miệng hay xảy ra với thuốc metronidazol.

Trước khi dùng một loại kháng sinh nào đó, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Khi có tác dụng không mong muốn, nên thông báo cho bác sĩ biết để được tư vấn cách xử trí.

+ Theo dõi các phản ứng dị ứng của thuốc

– Các phản ứng dị ứng khác cũng giống như các phản ứng dị ứng thông thường, được biểu hiện bằng triệu chứng sốt, nổi sẩn đỏ ngoài da, viêm da cấp tính như hội chứng Steven-Johnson, hội chứng Lyell; phù Quinck, ngứa mắt, khó thở, lên cơn hen suyễn… Cách xử trí là ngừng ngay thuốc đang dùng và đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

– Phản ứng dị ứng quan trọng và nguy hiểm nhất là sốc phản vệ thường xảy ra với nhóm thuốc betalactam. Phản ứng được biểu hiện bằng dấu hiệu tím tái, đau bụng dữ dội, khó thở, da nổi vân tím. Bệnh nhân nhanh chóng bị rơi vào tình trạng trụy tim mạch và tử vong nếu không được điều trị tích cực tại bệnh viện. Cách phòng tránh hiệu quả nhất là hỏi tiền sử dị ứng thuốc trước đây của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất cứ thuốc nào của nhóm thuốc betalactam thì không được dùng thuốc của nhóm này.

+ Theo dõi các biến chứng hay tai biến do độc tính của thuốc kháng sinh

Khi sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, người bệnh có thể bị các biến chứng hay tai biến do độc tính của thuốc, vì vậy cần theo dõi để cung cấp thông tin cho bác sĩ xử trí như:

– Tổn thương thần kinh thính giác do dùng thuốc streptomycine hoặc một số thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid;

– Tổn thương gan có thể xảy ra khi sử dụng thuốc tetracycline, rifampicin, rimifon, amphotericin B…

– Tai biến về máu như thiếu máu huyết tán, giảm bạch cầu-tiểu cầu, suy tủy khi dùng các loại kháng sinh như sulfamid, streptomycin, cloramphenicol liều cao

– Tổn thương thần kinh thị giác do sử dụng cloramphenicol kéo dài;

– Viêm đa rễ thần kinh do sử dụng rimifon kéo dài

– Nhiễm độc thận làm viêm thận kẽ, suy thận… khi dùng thuốc gentamycine, vancomycine, colistin, amphotericin B, rifampicin…

Một trong những cách để làm hạn chế các tai biến do độc tính của thuốc kháng sinh là chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định và đơn thuốc của bác sĩ.

Tham khảo thêm thông tin tại đây: http://dakhoaxadan.com/uong-thuoc-khang-sinh-co-lam-cham-kinh-khong/

Share.